SPG - LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Bà Rịa - Vũng Tàu có đủ yếu tố để xây dựng một khu thương mại tự do


LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Bà Rịa - Vũng Tàu có đủ yếu tố để xây dựng một khu thương mại tự do

Đông Nam bộ là khu vực đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển với khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước.

Phát biểu tại Diễn đàn Liên kết phát triển logistics – Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); UBND Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp Hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Sở Công Thương Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phối hợp tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày 08/09/2023, ông Thomas Sim - Phó Chủ tịch cấp cao Liên đoàn Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) cho biết, Hà Nội - Việt Nam gần biên giới phía Bắc, là trung tâm vận chuyển hàng hóa thuận lợi sang Trung Quốc, thậm chí còn lớn hơn cả Thượng Hải - Bắc Kinh. 

Ông Thomas Sim - Phó Chủ tịch cấp cao Liên đoàn Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA).

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI đánh giá, Đông Nam bộ là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển với khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

Hiện tại vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Đây là một tỷ trọng rất cao, trong đó tập trung chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh với hơn 11.000 doanh nghiệp, Bình Dương gần 1.700 doanh nghiệp và Đồng Nai hơn 1.200 doanh nghiệp. Vùng đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái, Cái Mép-Thị Vải.

Chia sẻ về những giải pháp gỡ điểm nghẽn, tạo liên kết logistics trong vùng Đông Nam bộ, ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đặt vấn đề xem xét 4 thành phần chính cấu thành chuỗi logistics khu vực đó là: phần cứng, phần mềm, công nghệ và con người vận hành.

Ông Thành phân tích, đích cuối cùng của kinh doanh là mục tiêu tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, nộp ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Do đó, chúng ta phải đẩy nhanh nguồn hàng thông qua việc liên kết vùng, nguồn hàng tại chỗ và nguồn hàng trung chuyển. "Tôi cho rằng cần ưu tiên tuyệt đối cho nguồn hàng tại chỗ, trước khi đẩy mạnh nguồn hàng trung chuyển".. 

Ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong thời gian tới, ngành dịch vụ vận tải, logistics tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ cùng với việc hình thành các tuyến giao thông quan trọng nối liền khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ và lợi thế về khoảng cách của tỉnh với sân bay quốc tế Long Thành khi BRVT chỉ cách sân bay khoảng 30km.

"Chúng tôi đã định hướng phát triển khu vực dọc sông Thị Vải – Cái Mép đến cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu – đường vành đai 4 thành vùng công nghiệp – dịch vụ - đô thị cảng biển, tập trung các trung tâm logistics, khu thương mại tự do, cảng cạn cung cấp dịch vụ vận tải kho bãi gắn với hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành".

Ngoài việc tập trung các giải pháp liên kết hạ tầng giao thông các tỉnh, trong vùng, kiến nghị hoàn thiện hệ thống chính sách, thủ tục hải quan, các doanh nghiệp và chuyên gia cũng quan tâm đến giải pháp xanh hóa hệ thống logistics của Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung. Theo ông Trần Thanh Hải, trong bối cảnh lượng hàng hóa qua các cảng khu vực đang sụt giảm mạnh, đặc biệt qua cảng Cái Mép - Thị Vải giảm 30% trong năm 2022, việc xanh hóa và số hóa chuỗi logistics của vùng sẽ giúp bắt kịp xu hướng thế giới và thu hút nhiều nguồn hàng qua các cảng trong vùng.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Kỳ - Tổng giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép - kiến nghị cần đảm bảo các tuyến đường giao thông kết nối vùng, sớm hình thành khu thương mại tự do (FTZ) tại Cái Mép - Thị Vải, cho phép tất cả các loại hàng hoá được vận chuyển giữa các cảng Cái Mép, bỏ seal hải quan khi container được vận chuyển bằng các xe tải có thiết bị theo dõi hành trình…

Nguồn: VLA tổng hợp.